Việt Nam là một trong năm nước đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trung bình, mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại bình quân hằng năm là 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP của cả nước. Vì vậy, nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để làm được việc này cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Trong đó, không thể thiếu vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, nó đã trở thành vấn nạn của toàn cầu và khu vực trong đó có Việt Nam. Con người đã vì những lợi ích trước mắt mà gây ra hậu quả là chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn của biến đổi khí hậu như ngày hôm nay, nó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống của con người. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng xã hội của cả thế giới, trong đó có các tôn giáo.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân dân tích cực triển khai các chính sách này, thu được những kết quả ban đầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Song chúng ta đang đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt ở khu vực thành thị, nông thôn, khu vực công nghiệp, ven biển, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức.
Theo cảnh báo của một số chuyên gia môi trường, trong 10 năm tới, tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam có thể tăng gấp đôi. Nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, sẽ dẫn đến hậu quả môi trường bị tàn phá trong quá trình phát triển. Trung bình, tổng sản phẩm nội địa tăng 1%, những thiệt hại do môi trường bị tàn phá gây ra mà chúng ta không tính trực tiếp trong báo cáo hằng năm có thể lên đến 3% tổng sản phẩm xã hội. Chính vì vậy, chúng ta vừa tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, coi môi trường là mục tiêu cơ bản phát triển bền vững.
Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế thì phải quan tâm hơn bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, Việt Nam coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hướng tới phục vụ người dân phát triển bền vững. Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát huy tích cực vai trò của các tôn giáo Việt Nam trong việc tham gia thực hiện đường lối phát triển đất nước nói chung và trong thực hiện chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng, đồng thời tăng cường đoàn kết, gắn bó đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong mỗi giáo luật, giáo lý của mỗi tôn giáo đều có những lời răn dạy rất cụ thể để thực hiện điều này. Đây là điểm tương đổng giữa giáo lý, giáo luật các tôn giáo với các chủ trương chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta khai thác điểm tương đồng này để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chức sắc tín đồ cũng như các tầng lớp nhân dân - là một lực lượng rất lớn trong khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy các tôn giáo có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sắp tới.
Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng khá rõ nét đến trái đất. Hiện nay, nền nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng cao, tình hình khô hạn xảy ra nhiều nơi và kéo dài, mưa lớn dài ngày diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Trong những năm qua tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nạn chặt phá rừng, khai thác gố trái phép vẫn tiếp diễn, hiện tượng thoái hóa, bạc màu đất trở nên khá phổ biến, hệ sinh thái đa dạng sinh học bị tác động, ,…
Để thực hiện tốt công việc này, cần đòi hỏi tất cả các tổ chức tổ chức chính trị và xã hội cùng vào cuộc, trong đó vai trò của các tôn giáo rất quan trọng. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp tích cực của các chức sắc và tín đồ các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần tập trung vào một số “Giải pháp nhằm phát huy vai trò của tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới” như sau:
Đối với UBMTTQ, Ban Dân vận các cấp:
Một là, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với Ban Dân vận cùng cấp thực hiện ký cam kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với tổ chức các tôn giáo cùng cấp trên địa bàn. VD: UBMTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp và ký cam kết với từng Ban hộ tự chùa hoặc Ban Quản lý cơ sở thờ tự tự quản bảo vệ môi trường từng đoạn đường, trước hoặc khu vực xung quanh cơ sở thờ tự đó. Đồng thời vận động phật tử “nói không với thực phẩm bẩn”, vận động phật tử phân loại rác thải tại nguồn, với loại dễ phân hủy như lá cây, hoa, vỏ trái cây… thì phơi khô rồi đốt làm phân bón, chỉ những loại rác khó phân hủy mới đưa đến điểm tập kết đem đi tiêu hủy nhằm bảo vệ môi trường góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Hai là, Tuyên truyền vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu với đời sống con người. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo hướng dẫn vận động các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo, nắm bắt cập nhật các thông tin, kiến thức về môi trường, tài nguyên, đa dạng sinh học,…Bên cạnh đó, lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu, buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng ni sinh tại các cơ sở thờ tự; đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, phật tử về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ba là, Phối hợp với tổ chức các tôn giáo cùng cấp chủ động xây dựng chương trình hành động riêng của tôn giáo mình để tập huấn, bồi dưỡng, chuyển tải thông điệp, vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đối với đời sống con người. Phối hợp cung cấp cho cộng đồng tôn giáo và dân cư các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của UBMTTQVN và những quy định trong giáo luật, giáo lý của từng Tôn giáo cùng kế hoạch hành động của các tổ chức Tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng kỹ năng tự ứng cứu và giúp nhau xử lý tại chỗ những rủi ro, bất thường xảy ra do thiên tai trước khi các lực lượng chức năng giải quyết; phối hợp hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cộng đồng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; tăng cường công tác tự quản và bảo vệ môi trường.
Bốn là, Vận động các tín đồ tôn giáo và nhân dân không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại, sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất hại, bị cấm trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Đồng thời tuyên truyền vận động sâu rộng trong nội bộ tổ chức và tín đồ tôn giáo về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hiểm họa nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu với đời sống con người. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo hướng dẫn vận động các chức sắc, nhà tu hành, chức việc và các tín đồ tôn giáo, nắm bắt cập nhật các thông tin, kiến thức về môi trường, tài nguyên, đa dạng sinh học,… cam kết, các bên sẽ phối hợp biên soạn, cung cấp cho cộng đồng các tôn giáo và dân cư kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu và thực trạng về ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên thế giới, trong nước, của địa phương và trên địa bàn dân cư. Không đánh đổi về môi trường để phát triển kinh tế mà sự phát triển kinh tế đi đôi với việc bảo vệ môi trường, kiên quyết nói không với dự án kinh tế gây ô nhiễm môi trường, vì đó là cách phát triển bền vững.
Năm là, Tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thông qua xã hội hóa, do đó rất cần sự trợ giúp, ủng hộ nhiều hơn của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng các khu dân cư văn hóa thực chất cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, từ đó bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở những nơi này sẽ rất hiệu quả.
Sáu là, Từ chương trình phối hợp, UBMTTQVN cấp xã phối hợp với một số cơ sở thờ tự xây dựng và ra mắt mô hình điểm: “Tổ đoàn kết tôn giáo đạo Phật/Công giáo/Tin lành với công tác bảo vệ môi trường”. Theo đó, các thành viên trong tổ thực hiện nhiều nội dung cam kết như có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung, tham gia góp ý và phản ánh kịp thời về trường hợp làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; bỏ rác đúng nơi quy định, quản lý thùng rác theo từng hộ, nộp lệ phí thu gom rác đủ và đúng thời gian quy định.
“Mô hình Nông lâm kết hợp”, giúp các hộ dân có đất nông nghiệp hoặc lâm nghiệp trồng trọt tăng nguồn thu nhập, tăng hiệu suất sử dụng đất, lấy hiệu quả từ canh tác cây ngắn ngày đầu tư cho cây dài ngày. Đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vùng đất nông lâm chiếm diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh.
Bảy là, Phối hợp với Đài khí tượng thủy văn của tỉnh xây dựng và tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh, thường xuyên cập nhập, hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp:
Một là, Đẩy mạnh truyên truyền những chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để tham mưu với cấp ủy, UBND cùng cấp cụ thể hóa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là Phối hợp với UBMTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ban, ngành liên quan về công tác dân vận, nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin,… để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ba là, Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cần chủ động đề xuất các giải pháp, xây dựng kế hoạch liên ngành để thực hiện các nhiệm vụ quản lý hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh và địa phương, trong đó có công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bốn là, Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tôn giáo nói chung và về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng.
Năm là, Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, biểu dương các chức sắc, cơ sở tôn giáo thực hiện tốt hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, đặc biệt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Hoàng Văn Huân Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ |
Hoàng Văn Huân